BAUXITE: ĐẮK – CHƯNG, SÊ – KÔNG, CHDCND LÀO
Khai thác mỏ bauxite là hoạt động khai thác mỏ chứa bauxite, bao gồm hoạt động xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, sản xuất và các hoạt động có liên quan trực tiếp nhằm thu khoáng sản. Việc khai thác bauxite chủ yếu được tiến hành theo phương pháp khai thác lộ thiên vì chúng nằm ở sát hay ngay trên mặt đất. Khoảng 95% lượng bauxite được khai thác trên thế giới đều được dùng để luyện thành nhôm.
Ngày 11/9, tại Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào đã diễn ra lễ ký Hợp đồng Khai thác và chế biến quặng bauxite và xây dựng nhà máy sản xuất aluminat giữa Chính phủ Lào và đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) của Việt Nam.
Việt Phương Group bắt đầu tham gia tiến hành thăm dò khai thác quặng bauxite tại Sekong từ năm 2008, qua 10 năm thăm dò và hoàn thành các thủ tục cần thiết, đến nay VPG cho biết đã có thể tiến hành khai thác và chế biến quặng bauxite, tiến tới việc sản xuất aluminat. Nằm tại huyện Đăk-chưng, tỉnh Sekong – một trong những khu vực nghèo và khó khăn nhất tại Lào, dự án khai thác và chế biến bauxite của VPG có diện tích gần 100km² với tổng giá trị đầu tư khoảng 650 triệu USD – là dự án đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay tại Lào.
Đây là dự án nằm trong lộ trình thực hiện Hiệp định Hợp tác Kinh tế, Văn hóa và Khoa học kỹ thuật được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bauxite.
Dự án không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở có liên quan của hai nước mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bauxite, đặc biệt là tại tỉnh Sekong nói riêng và Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia nói chung.
Theo ước tính của VPG, khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời giúp đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng triệu USD mỗi năm.